Triển vọng ngành Fintech tại Việt Nam trong năm 2024
Thời đại 4.0 là thời đại bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ. Lĩnh vực tài chính nhờ đó cũng có những bước phát triển vượt bậc khi có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ trong tài chính đã và đang được các ngân hàng, tập đoàn lớn quan tâm và đầu tư. Vậy fintech tại Việt Nam là gì và tại sao các ông lớn đều muốn đầu tư vào các sản phẩm Fintech?
Fintech là gì?
Fintech được dịch sang Tiếng Việt là công nghệ tài chính, là viết tắt của cụm từ Financial Technology. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ việc ứng dụng những công nghệ hiện đại vào các hoạt động dịch vụ tài chính. Sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của các sản phẩm Fintech đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống người dân Việt Nam như:
- Các sản phẩm dịch vụ nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí
- Thay đổi thói quen dùng tiền mặt của khách hàng
- Tạo cơ hội cho những người dân khu vực vùng sâu vùng xa cũng có thể dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm tài chính qua công nghệ
- Thúc đẩy các hoạt động tài chính nhanh hơn, hiệu quả hơn, tối giản quy trình và thủ tục giấy tờ
Các sản phẩm nổi bật ngành Fintech
Lý do cho sự phát triển mạnh mẽ và thành công của ngành Fintech là bởi những sản phẩm Fintech có tính ứng dụng thực tế cao, cung cấp những giải pháp tối ưu hơn và đem lại cho người dùng trải nghiệm nhanh, tiện ích, dễ dàng, bảo mật tốt hơn khi sử dụng các dịch vụ tài chính.
Có thể kể đến một số sản phẩm Fintech được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam như:
- Ví điện tử: Sự bùng nổ của ví điện tử đã diễn ra từ nhiều năm trước, và ít người biết rằng đây chính là một sản phẩm của Fintech và là một sản phẩm mở đường rất thành công cho thấy tiềm năng phát triển Fintech tại thị trường Việt Nam. Ví điện tử là giải pháp khiến cho người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ thay đổi thói quen dùng tiền mặt sang các phương thức thanh toán online qua ví điện tử. Có thể kể đến các ví điện tử phổ biến nhất như: Momo, Shopee Pay, Zalo Pay, Viettel Money, PayPal,…
- E-Banking: E-Banking giúp cho các hoạt động tài chính trở nên dễ dàng hơn khi người dùng không còn phải trực tiếp đến các quầy dịch vụ của ngân hàng. Các tiện ích của E-Banking có thể kể đến như: chuyển tiền 24/7, thanh toán online, thanh toán hoá đơn điện nước, gửi tiết kiệm,…
ngành Fintech tại Việt Nam
- P2P Lending: Cho vay nhanh và uy tín là một sản phẩm rất hot của ngành Fintech, các ứng dụng cho vay này kết nối người cần vay với người cho vay mà không cần qua các bước hỗ trợ định chế tài chính. Điều kiện tham gia cũng dễ dàng hơn nhiều so với việc đi vay ngân hàng truyền thống.
- Các ứng dụng đầu tư: Đầu tư là một hoạt động quan trọng trong ngành tài chính. Và giờ đây chúng ta có thể đầu tư dễ dàng hơn rất nhiều với một số vốn rất nhỏ qua các ứng dụng đầu tư như ứng dụng đầu tư tài chính Finhay, ứng dụng đầu tư chứng khoán VNDirect,…
- Công nghệ Blockchain: Đây là một công nghệ bảo mật cao bằng cách mã hoá các chuỗi thông tin, nhờ vậy người dùng có thể giao dịch trên cùng một môi trường chung mà vẫn đảm bảo các thông tin của mình được bảo mật an toàn.
Thị trường Fintech ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của Fintech như dân số trẻ với 89% người dùng trong độ tuổi từ 20- 44 tuổi sử dụng Internet, khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới nhanh: 58% dân số sử dụng Internet ít nhất 5 giờ/ngày (Nielsen, 2017)
Bên cạnh đó, trong một thời gian rất ngắn, thị trường Fintech Việt Nam đã phát triển nhiều ứng dụng từ Ví điện tử, thanh toán trực tuyến, cho vay ngang hàng P2P, Blockchain, tiền mã hoá đến đầu tư và quản lý tài sản, quản lý dữ liệu, đánh giá tín dụng, dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số, tài chính doanh nghiệp SMEs.
Năm 2022, số lượng công ty Fintech lên tới 176 công ty, tăng hơn 250% so với năm 2015. Quy mô thị trường Fintech Việt Nam dự kiến đạt 34,5 tỷ USD vào năm 2023 và tăng trưởng với tốc độ CAGR là 2.91%. Tuy nhiên ngoài những thành tựu trên, sự phát triển của Fintech ở Việt Nam cũng nảy sinh những vấn đề tiêu cực như: lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh cắp thông tin, vân vân, cùng với nhiều nguy cơ khác cản trở sự phát triển của Fintech ở Việt Nam trong thời gian tới.
Cơ hội và thách thức của ngành Fintech tại thị trường Việt Nam
Với một thị trường tiềm năng như Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển và thử nghiệm, tuy nhiên đi cùng cơ hội tốt sẽ luôn có những khó khăn và thách thức mà nhà đầu tư phải đối mặt và giải quyết.
Cơ hội cho ngành Fintech tại Việt Nam
Việt Nam có nền kinh tế ổn định, lạm phát kiểm soát, tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu thế giới, và môi trường đầu tư thuận lợi.
Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số trẻ và số người dùng smartphone cao (72%), cùng với ưu thế về sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc thúc đẩy thanh toán di động đã tạo nền tảng lý tưởng cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech.
Từ 2017, Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp cạnh tranh, đặc biệt trong các lĩnh vực Fintech, thương mại điện tử, và dịch vụ công nghệ thông tin. Trong đó, lĩnh vực Fintech tăng trưởng mạnh mẽ với 154 công ty khởi nghiệp vào năm 2021, so với 44 vào năm 2017, thể hiện tiềm năng phát triển của công nghệ ở Việt Nam và khả năng khai thác cơ hội thị trường.
Lĩnh vực này đã nhận được sự quan tâm và sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan với nhiều đề án phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ; phát triển kết cấu hạ tầng Fintech,… nhằm tạo lập, hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường Fintech.
Thách thức ngành Fintech phải đối mặt
Pháp lý về Fintech ở Việt Nam còn nhiều hạn chế gây khó khăn cho phát triển Fintech tại Việt Nam:
- Cơ chế pháp lý chưa đáp ứng nhanh chóng cho sự phát triển nhanh của công nghệ, đặc biệt là P2P Lending.
- Chưa có quy định cụ thể về quản lý và giám sát Fintech, cũng như phối hợp giữa các cơ quan quản lý.
- Bảo vệ người tiêu dùng và thông tin cá nhân chưa có quy định cụ thể.
- Quy định an ninh mạng cho Fintech chưa được ban hành.
- Môi trường pháp lý không ổn định khiến các công ty Fintech e ngại đầu tư vào sản phẩm mới
Việt Nam đang phát triển với nguồn lao động trẻ, nhưng cơ sở hạ tầng công nghệ còn hạn chế, đặc biệt là về bảo mật công nghệ.
Lượng dữ liệu người dùng ở Việt Nam lớn, nhưng các cơ sở dữ liệu chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn trong việc định danh khách hàng.
Kết luận
Fintech là một ngành không quá mới nhưng mới chỉ thực sự bùng nổ vài năm gần đây. Đây là một ngành vô cùng triển vọng và chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai bởi các nhà đầu tư lớn. Nhân lực cho ngành còn chưa dồi dào nên đây cũng sẽ là một ngành nghề hot với mức lương cạnh tranh cho các đối tượng lao động trẻ. Fintech tại Việt Nam sẽ còn bùng nổ hơn nữa và sẽ là xu thế chính chiếm lĩnh các hoạt động đời sống và tài chính của người dân Việt Nam hiện nay và trong cả tương lai.