Thị trường “Mua trước trả sau” tiềm năng nhưng không “dễ”
Dù Việt Nam là thị trường tiềm năng với dịch vụ “Mua trước trả sau” (Buy now pay later - BNPL) nhưng sự cạnh tranh gay gắt, tình trạng hạn hẹp về nguồn vốn, rủi ro về tín dụng cùng quy định chưa rõ ràng đã khiến không ít nền tảng phải “đóng cửa”.
Dù thị trường sôi động nhưng không ít nền tảng BNPL đã rời bỏ cuộc chơi
Đánh giá về thị trường mua trước trả sau (BNPL) ở Việt Nam, với gần 100 triệu dân và đang ở cơ cấu độ tuổi vàng, thành thạo công nghệ và khả năng tiếp cận sản phẩm mới nhanh, Việt Nam chắc chắn là thị trường vô cùng tiềm năng. Bằng chứng là xuất hiện ngày càng nhiều nhà cung cấp BNPL bao gồm cả những ngân hàng, thể chế tài chính lớn và cả những startup fintech.
BNPL sẽ nhanh chóng được ưa chuộng và thay thế dần các hình thức thanh toán truyền thống bất tiện, thiếu linh hoạt. Chưa kể, mặc dù xuất hiện thị trường sau so với Singapore hay Indonesia, nhưng tốc độ tăng trưởng và hấp thụ dịch vụ BNPL nói riêng và các giải pháp fintech tại Việt Nam luôn dẫn đầu trong khu vực
Tốc độ này thể hiện qua việc không chỉ các nhà cung cấp dịch vụ BNPL tìm cách phát triển ở thị trường Việt Nam (Atome, Kredivo,...) mà còn các nhà cung cấp hạ tầng, phần mềm, dịch vụ bổ trợ cho BNPL trên thế giới cũng coi Việt Nam là thị trường cần ưu tiên trong khu vực.
Sở dĩ thị trường BNPL Việt Nam có sự quan tâm như vậy, đầu tiên đến từ việc thói quen chi tiêu mua sắm online của người dùng tăng mạnh, đòi hỏi các đơn vị cũng nhanh chóng phát triển các giải pháp, phương thức thanh toán tương xứng nhằm gia tăng trải nghiệm, giữ chân và thúc đẩy khách hàng chi tiêu, đặc biệt sau COVID-19.
Nguyên nhân thứ hai, BNPL là nhu cầu của người dùng trong bối cảnh tình hình tài chính khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và ưu tiên lựa chọn các hình thức thanh toán linh hoạt bởi mô hình này cho phép khách hàng mua hàng ngay lập tức và trả tiền sau đó theo lịch trình được định sẵn.
Mặc dù vậy, thời gian qua, đã khoảng 10 doanh nghiệp (DN) tham gia trong lĩnh vực này rời bỏ cuộc chơi và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Nguyên nhân khách quan là sự cạnh tranh gay gắt của thị trường trong một giai đoạn ngắn, tình trạng hạn hẹp về nguồn vốn trước những khó khăn của nền kinh tế và chính sách thắt chặt của các tổ chức tài chính trong và ngoài khu vực nhà nước.
Còn về phía chủ quan, có nhiều nguyên nhân cho mỗi nhà cung cấp như chiến lược “đánh nhanh rút nhanh” (fail fast, fail cheap) khi không tìm được hiệu quả từ mô hình, không giành được thị trường đủ lớn, cạn kiệt về nguồn vốn hoạt động, cắt giảm tinh gọn hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Cần tạo sự khác biệt để lấy làm lợi thế cạnh tranh
Để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường, các DN BNPL cần tạo sự khác biệt và cung cấp các dịch vụ độc đáo, được cá nhân hóa. Bằng cách nhắm mục tiêu thị trường thích hợp hoặc cung cấp dịch vụ tùy chỉnh, các công ty có thể thu hút và giữ chân khách hàng.
Mặt khác, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của các công ty trong thị trường BNPL. Bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến, các công ty có thể tạo giao diện thân thiện với người dùng và mang đến cho khách hàng trải nghiệm liên tục. Các công nghệ này có thể bao gồm hệ thống thanh toán điện tử, các phương thức xác thực thông tin khách hàng và các công cụ quản lý dữ liệu.
Cuối cùng, hợp tác với các DN hiện có hoặc xây dựng các liên minh chiến lược có thể giúp những người mới tham gia giành được chỗ đứng trên thị trường.
Bằng cách tận dụng các mối quan hệ đối tác đã được thiết lập, các công ty có thể mở rộng phạm vi tiếp cận và cung cấp các dịch vụ bổ sung cho khách hàng. Các DN cũng cần phải tìm kiếm đối tác tài chính phù hợp như các tổ chức tài chính, ngân hàng hoặc các công ty tài chính. Việc tìm kiếm đối tác tài chính sẽ giúp các DN đảm bảo nguồn tài chính và tiết kiệm chi phí.
Chưa kể, tình hình kinh tế khó khăn hiện nay đem lại cả cơ hội và thách thức cho các ứng dụng BNPL. Bởi vì, khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn các hình thức thanh toán linh hoạt hơn, tạo điều kiện để phổ biến hoá BNPL với người tiêu dùng và cả các nhà bán hàng.
Dù vậy, điều thách thức chính là đảm bảo tính khả thi của các khoản BNPL của khách hàng và kiểm soát rủi ro tín dụng. Nhất là trong bối cảnh không có dữ liệu về lịch sử tiêu dùng và tài chính của người sử dụng, cộng với việc sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến, làm giảm khả năng đánh giá khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ BNPL.
Do đó, các ứng dụng BNPL cần phải tăng cường kiểm soát nợ xấu, đảm bảo rằng khách hàng có khả năng trả nợ và thực hiện chính sách thanh toán phù hợp để giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, với sự phát triển của công nghệ và dịch vụ tài chính số, các công ty BNPL có thể sử dụng các công nghệ phân tích dữ liệu lớn để xây dựng chân dung khách hàng chi tiết nhất và các mô hình dự đoán có ứng dụng AI đem lại độ chính xác cao.
Việc đánh giá tín nhiệm khách hàng hay rủi ro các giao dịch có thể do chính các nhà cung cấp BNPL tự xây dựng và thực hiện, bên cạnh đó cũng có nhiều công ty fintech trong và ngoài nước tập trung cung cấp dịch vụ này, tạo điều kiện củng cố độ chính xác trong việc đưa ra quyết định của các nhà cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh yếu tố địa phương giúp cho các startup nội địa nhanh chóng thuyết phục, xây dựng được mạng lưới nhà bán hàng rộng khắp thì trải nghiệm khách hàng có tính Việt Nam cao sẽ là lợi thế của các nhà cung cấp này. Qua đó, việc hợp tác cùng phát triển là yếu tố then chốt được đề cao trong một thị trường mới nở nhưng đầy tiềm năng này. Bằng chứng là rất nhiều ông lớn nước ngoài cũng như ông lớn nội địa có những cái bắt tay cùng các startup trong ngành.
Khi có quy định rõ ràng sẽ tránh việc núp bóng BNPL làm hiểu sai về dịch vụ
Đánh giá về việc ứng dụng các công nghệ mới như AI, blockchain, metaverse có thể đem lại nhiều cơ hội và lợi ích cho lĩnh vực BNPL. Ví dụ AI có thể giúp đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định một cách chính xác hơn dựa trên dữ liệu khách hàng. Hay Blockchain có thể giúp cho việc xác thực giao dịch trở nên an toàn và minh bạch hơn. Còn Metaverse có thể tạo ra trải nghiệm mua sắm mới và độc đáo cho khách hàng thông qua việc kết hợp giữa thực tế và ảo.
Tuy nhiên, để áp dụng thành công các công nghệ này, các ứng dụng BNPL cần đầu tư và phát triển công nghệ mạnh mẽ cũng như có chiến lược ứng dụng công nghệ thích hợp”.
Những quy định hiện nay vẫn mở cửa cho sự phát triển của mô hình BNPL nên các startup không gặp nhiều rào cản về pháp lý khi muốn tham gia thị trường. Dù việc này tạo điều kiện tự do cho thị trường bùng nổ, nhưng nếu cơ quan quản lý đưa ra khung pháp lý, định nghĩa mô hình… thì sẽ giúp cải thiện mô hình chất lượng hơn, tránh việc núp bóng làm người dùng hiểu sai về dịch vụ BNPL ở Việt Nam.
Chưa kể, nó giúp tạo ra một luật chơi chung, một môi trường kinh doanh lành mạnh để cho các nhà cung cấp phát triển. Khi đó, quyền lợi của khách hàng cũng sẽ được đảm bảo và những rủi ro cũng được giảm xuống thấp nhất, tạo điều kiện cho sự phát triển và cung cấp dịch vụ đến nhiều khách hàng nhất.
Các nền tảng cũng cần lưu ý về mặt quản lý và chia sẻ dữ liệu, vì càng nhiều đơn vị tham gia thì số lượng giao dịch sẽ càng bùng nổ. Các giải pháp BNPL cần có cơ chế quản lý, chia sẻ lẫn nhau để có thể đánh giá chính xác hồ sơ khách hàng. Việc này sẽ giúp hạn chế rủi ro cho cả nhà cung cấp và khách hàng.
Cuối cùng, đối với các nhà bán hàng, đặc biệt là các đơn vị đang sở hữu sàn hoặc website thương mại điện tử cũng cần nhanh chóng hợp tác và cùng các nhà cung cấp BNPL truyền thông, thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng dịch vụ mới đầy lợi ích này./.