Thị trường các sản phẩm mua trả góp, mua trước trả sau ở Việt Nam hiện nay
Trong bài viết này, hãy cùng Amber Fintech tìm hiểu về một trong những hình thức tiêu dùng phổ biến hiện nay, “mua trước trả sau” (buy now pay later - BNPL) hay tín dụng vi mô cho mua sắm.
Đôi điều khái quát về mua trước trả sau
Để giúp khách hàng có thêm nguồn tiền mua hàng hóa ngay lập tức dù họ chưa đủ tiền, các tổ chức tín dụng sẽ cung cấp tín dụng cho khách hàng. Người tiêu dùng được dùng ngay những sản phẩm yêu thích dù chưa đủ tiền. “Mua trước trả sau” chính là một trong những xu hướng lớn phát triển nhiều năm qua và bùng nổ trong những năm gần đây.
Mua trước trả sau (buy now, pay later) là một hình thức thanh toán trả góp cho các sản phẩm và dịch vụ với giá trị vừa và nhỏ (thường là dưới 10 triệu đồng). Dịch vụ này cho phép khách hàng chia nhỏ khoản thanh toán theo kỳ (thường là hằng tháng) mà không cần sử dụng thẻ tín dụng, không cần chứng minh thu nhập hay tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, nếu khách hàng thanh toán đúng hạn thì sẽ không phải trả tiền lãi (lãi suất 0%). Với hình thức thanh toán này, hồ sơ của khách hàng thường được duyệt tự động và rất nhanh. Có thể dễ dàng nhận thấy, ‘‘mua trước trả sau’’ sẽ là lựa chọn hấp dẫn với một bộ phận dân số vì mang lại khả năng tiếp cận tín dụng cho những người không sở hữu thẻ tín dụng, hay không có điều kiện vay ngân hàng.
Tiềm năng của thị trường mua trước trả sau ở Việt Nam
Xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây, với các sản phẩm dịch vụ trả góp khi mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử, cho vay tiêu dùng cá nhân. Hiện, tỷ lệ COD (cash on delivery) còn khá phổ biến ở Việt Nam, cho nên đây là cơ hội mang đến các giải pháp thanh toán mới. Dân số Việt Nam gần 100 triệu người nhưng mới có khoảng gần 6 triệu thẻ. Khi thu nhập đầu người cao thì tỷ lệ phổ cập thẻ tín dụng càng cao, cùng với đó, dư địa cho BNPL là lớn khi thương mại điện tử phát triển mạnh thời gian qua, thanh toán không tiền mặt tăng tại Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù đi sau thế giới một nhịp nhưng mô hình mua trước trả sau tại Việt Nam dự báo sẽ bùng nổ do thị trường rơi đúng vào thời điểm thuận lợi, đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến xu hướng mua sắm online phát triển mạnh mẽ.
Mua trước trả sau đang là dịch vụ tài chính mà thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981-1996) hay Gen Z (sinh từ năm 1997-2012) muốn “kết thân” để chi tiêu và quản lý tiêu dùng. Họ thích tận dụng những lợi ích từ mua trước trả sau, vay tín dụng tiêu dùng để lên kế hoạch chi tiêu thông minh, chủ động trong quản lý tài chính cá nhân. Những người trẻ hiện nay có xu hướng chủ động về tài chính, họ không ngồi chờ đợi đến khi đủ tiền mới bắt đầu "chốt đơn" mà sẽ lựa chọn mua trước trả sau để vừa sắm được món đồ ưa thích, lại vừa cân đối được chi tiêu hàng tháng. Chính vì vậy, hình thức này sẽ còn phổ biến và được sử dụng rộng rãi hơn nữa trong tương lai.
Nở rộ các dịch vụ vay trả góp mua hàng, mua trước trả sau
Hiện tại, cách phát triển của thị trường ‘‘mua trước trả sau’’ khiến nhiều người liên tưởng tới thị trường ví điện tử một vài năm trước. Điểm giống nhau là những công ty tiên phong như Momo ở mảng ví điện tử và Fundiin hay Kredivo ở lĩnh vực ‘‘mua trước trả sau’’ có nhiều lợi thế trong việc nắm giữ thị phần nhờ tham gia thị trường sớm.
Các dịch vụ thanh toán Home Pay Later, Grab Pay Later và Way4 lần lượt được phát triển bởi Home Credit, GRAB Finance Vietnam (GFG) và Lotte Finance Vietnam. Home Credit đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với sàn thương mại điện tử Tiki ra mắt Home PayLater. Kredivo - nền tảng BNPL đã bắt tay ví điện tử 9Pay và các nền tảng bán hàng trực tuyến như KidPlaza để cung cấp dịch vụ mua trước trả sau, mở rộng thị trường ở Việt Nam nơi giới trẻ có nhu cầu tiêu dùng cá nhân cao. Các sàn thương mại điện tử như Shopee cũng đã tham gia cuộc đua mua trước trả sau với lượng khách hàng tiềm năng.
Đặc biệt "mua trước trả sau" khá phổ biến ở lĩnh vực vay tiêu dùng mua sắm các sản phẩm điện máy, hàng công nghệ. Rất nhiều người mua sản phẩm công nghệ sử dụng đòn bẩy vốn, trả góp hàng tháng. Dịch vụ trả góp đã góp phần thúc đẩy mạnh doanh số tiêu dùng ngành công nghệ.
Gần đây nhất, giới yêu thích công nghệ xôn xao vì sự ra mắt của Apple Store Online Vietnam. Đồng thời, Apple Store Online Vietnam ra mắt tùy chọn thanh toán trả góp hàng tháng với MoMo, cho phép trả góp sản phẩm Apple với sự tham gia của tổ chức tín dụng là Công ty tài chính Điện lực EVN Finance hợp tác cùng Công ty cổ phần Amber Fintech.
Đây được nhận định là một sản phẩm trả góp hứa hẹn nhiều tiềm năng ở thị trường Việt Nam. Cụ thể, dịch vụ này nhận hạn mức trả góp lên đến 100.000.000 VNĐ, dễ dàng sở hữu các sản phẩm chính hãng của Apple tại Apple Store trực tuyến như iPhone, iPad, Mac hay Apple Watch ngay khi có nhu cầu; phương thức trả góp linh hoạt đến 24 tháng, chỉ cần trả trước 20% giá trị sản phẩm… Đặc biệt, người tiêu dùng không cần chứng minh thu nhập, chỉ cần đăng ký một lần duy nhất và dễ dàng thực hiện trả góp trực tuyến và thời gian phê duyệt hồ sơ nhanh chóng, chỉ sau vài phút. Bên cạnh Apple Store trực tuyến, người dùng có thể tìm mua dưới hình thức trả góp tại Thế Giới Di Động, FPT Shop, TopZone, Điện Máy Xanh, CellphoneS hay Shop Dunk... tuy nhiên thời gian sẽ lâu hơn và thủ tục phức tạp hơn. So với các hợp đồng vay tiêu dùng từ công ty tài chính khác, chương trình trả góp của Apple Store với MoMo tương đối hấp dẫn.
Khó khăn và thách thức với ngành mua trước trả sau
BNPL hầu như chỉ tập trung vào thị trường cho vay nên phải chịu sự cạnh tranh rất lớn đến từ các tổ chức tài chính truyền thống. Ngân hàng đã có lịch sử tuân thủ quy định của ngành và có thể cung cấp nhiều công cụ quản lý tài chính tiêu dùng hơn để ngăn chặn tình trạng bội chi, tăng phí trả chậm và nợ xấu. Ngược lại, công ty BNPL lại chưa được quản lý bởi khung pháp luật đầy đủ. Các cơ quan quản lý cần hoàn thiện hành lang pháp lý để giúp thị trường phát triển an toàn và bền vững. Hiện tại hành lang pháp lý về "mua trước trả sau" vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, nếu thị trường dịch vụ "mua trước trả sau" phát triển rộng rãi mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, sẽ dễ dẫn đến tăng nợ xấu và ảnh hưởng nặng nề đến điểm tín dụng (do người tiêu dùng có xu hướng tiêu xài quá khả năng trả nợ).
Hơn thế nữa, nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam chưa có kiến thức tài chính đầy đủ, dẫn đến việc họ có thể chi tiêu quá mức và mất khả năng trả nợ, đặc biệt khi nhà cung cấp dịch vụ ‘‘mua trước trả sau’’ đánh giá sai khả năng trả nợ của khách hàng. Vì vậy, 2 vấn đề tối quan trọng đối với các nhà cung cấp dịch vụ BNPL là quản trị rủi ro và bảo vệ người dùng.