Hiện tượng rủ nhau bùng nợ - Thực trạng, nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp
Gần đây, hiện tượng “rủ nhau” bùng nợ từ một bộ phận khách hàng đã tác động xấu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính và bản thân những người bùng nợ. Hãy cùng Amber Fintech nhận định vấn đề này.
Thực trạng việc “bùng nợ” đang trở nên phổ biến và đáng báo động
Thời gian qua, việc “bùng nợ” đang trở nên phổ biến, trở thành một phong trào xù nợ và ở mức báo động. Trên các trang mạng xã hội, các hội/nhóm dạy nhau cách “bùng nợ” vay từ công ty tài chính mọc lên ngày càng nhiều. Chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” hay “bùng vay tiền qua App” sẽ cho ra một loạt hội/nhóm kín, với số lượng thành viên đăng ký tham gia từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay tiền công ty tài chính tiêu dùng, thậm chí là vay ngân hàng…
Về nguyên nhân:
Thứ nhất, từ phía người vay, có thể do người vay chưa ý thức được về trách nhiệm của mình hoặc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật, nghe lời dụ dỗ, lôi kéo từ các hội nhóm trên mạng dẫn đến việc “bùng nợ”.
Thứ hai, từ phía cho vay, hiện nay có nhiều hình thức cho vay với thủ tục đơn giản như vay qua app, chỉ cần CMND/CCCD... khiến cho các đối tượng lợi dụng để nghĩ ra các cách thức giả mạo.
Và nguyên nhân từ ba, từ phía thị trường vay tiêu dùng gần đây, khi lực lượng công an đang vào cuộc tích cực, xử lý nghiêm các đơn vị "tín dụng đen", hoạt động cho vay trái phép, các đối tượng đòi nợ thuê kiểu "khủng bố" (điện thoại chửi bới, đe dọa; gọi điện cho người thân, tung hình lên các mạng xã hội nhằm bôi xấu danh dự… ). Đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án. Tuy nhiên, một bộ phận khách hàng cố tình vin vào những tin tức này để đánh đồng tất cả hoạt động thu hồi nợ của tất cả các công ty tài chính tiêu dùng là phạm pháp. Từ đó, bộ phận những người vay này có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần, rủ nhau bùng nợ diện rộng trên các hội nhóm. Nhiều người dân cho rằng hoạt động thu hồi nợ là phạm pháp và đánh đồng các công ty tài chính với tín dụng đen, từ đó, xuất hiện nhiều hành vi cố tình chây ì, lôi kéo quỵt nợ. Hoặc do các hành vi đòi nợ bất hợp pháp của tổ chức TDĐ như xiết nợ, đe dọa nhân phẩm của người vay nợ cũng như những người thân quen của họ khiến nhiều người không chịu được áp lực và tìm đến những hội nhóm chỉ cách “bùng nợ” như một giải pháp.
Ảnh hưởng đến chính bản thân người vay: Bùng khoản vay nhỏ, trả giá đắt gấp nhiều lần
Trước mắt, việc "bùng nợ" ảnh hưởng trực tiếp đến người đi vay, một khi vay nợ mà không trả là vi phạm pháp luật, sẽ bị pháp luật xử lý. Tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể đến 20 năm tù. Đối với trường hợp tham gia, bình luận, chia sẻ cách bùng tiền, quỵt nợ trong các hội nhóm, nếu cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ để khởi tố thì sẽ bị khởi tố hình sự.
Đồng thời, việc xuất hiện quá nhiều hội nhóm hướng dẫn cách “bùng nợ” sẽ làm xuất hiện thêm nhiều người “bùng nợ” hơn. Từ đó gây ảnh hưởng hoặc tác động đến những người đã và đang vay tiền của các ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thống.
Việc bùng nợ vay tiêu dùng hiện nay đang cho thấy một báo động đỏ về trách nhiệm trả nợ của người vay. Họ đang tự đưa mình vào trạng thái “chơi dao có ngày đứt tay“ mà không biết. Thực tế, khi khách hàng có thái độ chây ì, không trả sẽ để lại lịch sử tín dụng xấu, không thể tiếp tục vay mượn ở các tổ chức tài chính hợp pháp (được NHNN cấp phép). Đến bước đường cùng, họ lại tìm đến tín dụng đen thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Tình hình cũng buộc các công ty tài chính phải tập trung vào cho vay với nhóm khách hàng tốt, những nhóm khách hàng dưới chuẩn hầu như không thu hồi được. Về lâu dài chính người lao động cũng sẽ chịu thiệt vì không thể vay.
Ảnh hưởng đến công ty tài chính: Hoạt động thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn
Tình trạng nói trên đã khiến tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao, hoạt động thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng & công ty tài chính trở nên khó khăn hơn. Tính đến hết quý I năm 2023, tốc độ tăng trưởng dư nợ so với tháng 12/2022 bị giảm 3,8%, nợ xấu tăng cao và có nguy cơ ngày càng tăng.
Không chỉ vậy, uy tín của các tổ chức tín dụng - công ty tài chính hợp pháp cũng bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó là việc nhân viên thu hồi nợ bị đe dọa ngược từ khách hàng; công tác tuyển dụng Nhân viên thu hồi nợ gặp nhiều trở ngại khi dần hình thành định kiến xã hội...
Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ làn sóng này, các công ty tài chính cũng thừa nhận thực trạng khó thu hồi nợ do hoạt động thu hồi nợ bị siết chặt và trước sự kích động cổ xúy của nhiều hội nhóm bùng nợ. Thậm chí, nhiều khách hàng từ chối cuộc gọi nhắc nợ, đe dọa thậm chí hành hung nhân viên thu hồi nợ, hù dọa sẽ khiếu nại lên báo chí, gây hoang mang, tâm lý chán nản cho nhân viên thu hồi nợ
Giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam
Việc thiếu các quy định cụ thể cho người đi vay dễ dẫn đến nguy cơ các nhóm khách hàng chuyển dịch ngày một xấu hơn, khách hàng rất dễ hình thành suy nghĩ “tại sao mình phải trả nợ trong khi nhiều đối tượng không trả nợ vẫn không bị phạt gì?”.
Một giải pháp quan trọng được đưa ra đó là việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai cung cấp xác minh danh tính... Cụ thể, sẽ phối hợp công an địa phương xác minh danh tính phục vụ cho hoạt động trước cho vay. Theo đó, công dân đi vay bất kỳ ở đâu đều có thể nắm được, qua đó cung cấp phân loại cho các công ty tài chính đối tượng nào nên, không nên cho vay.
Trong khi chờ đợi các quy định và phương thức được đưa ra và siết chặt, đối với người đi vay, trước làn sóng bùng nợ lan rộng, người dân cần thực sự tỉnh táo, cảnh giác không để kẻ gian lợi dụng tâm lý, dụ dỗ lôi kéo thực hiện bùng nợ hoặc vay app không rõ nguồn gốc, để không ảnh hưởng đến khả năng vay vốn trong tương lai và tránh rủi ro vi phạm pháp luật.